Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã lấy ngày 25 tháng 6 hàng năm là “Ngày thuyền viên – Day of Seafarer”. Đây là một sự tôn vinh, công nhận đầy đủ và sự biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, sự hy sinh mà các thuyền viên phải chịu do thời gian dài sống và làm việc trên biển xa cách gia đình, người thân và bạn bè. Chúng ta hãy cùng nghe họ kể chuyện để hiểu thêm về nghề đi biển.
Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã lấy ngày 25 tháng 6 hàng năm là “Ngày thuyền viên – Day of Seafarer”. Đây là một sự tôn vinh, công nhận đầy đủ và sự biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, sự hy sinh mà các thuyền viên phải chịu do thời gian dài sống và làm việc trên biển xa cách gia đình, người thân và bạn bè.Chúng ta hãy cùng nghe họ kể chuyện để hiểu thêm về nghề đi biển.
Định bỏ nghề từ chuyến đi biển đầu tiên
Máy trưởng Phạm Ngọc Thạch Công ty Vận tải biển VLC kể, năm 2007, tôi có chuyến đi biển đầu tiên khi làm thực tập thợ máy trên tàu Mê Linh, cả tuần say sóng, không ăn được gì, cảm giác thật hãi hùng. Hôm ấy, khi tàu vừa vào Vịnh Bắc Bộ thì gặp bão to, sóng lớn, máy trên tàu lại gặp sự cố. Sóng to gió lớn, tàu rung lắc mạnh, cảm giác say sóng thật đáng sợ, nhiều lần tôi đã phải đeo túi bóng buộc vào cổ để vừa làm vừa …nôn. Cũng có lúc chới với quá, tôi đã nghĩ đến việc bỏ nghề, bỏ biển khơi. Nhưng nghĩ đến 5 năm đèn sách và giấc mơ người thủy thủ kiên cường, mạnh mẽ lại giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả…
“Hình ảnh nồi cháo buộc cố định trên bếp trong ngày giông bão ngoài biển khơi, khi đói anh em chủ động vào múc ăn vẫn thường được chúng tôi ôn lại khi ngồi xum họp hàn huyên”, Anh Thạch hào hứng.
Thủy thủ được xem những con người dũng cảm, bản lĩnh nhưng không kém phần lãng mạn..
Năm ngày chỉ loay hoay với các món trứng
Thuyền trưởng Lương Văn Vương kể, một lần chúng tôi có lịch hành trình từ cảng Houston (Mỹ) đến cảng Amstesdam (Hà Lan) dự kiến khoảng 17 ngày. Tàu đã dự trữ đủ lương thực thực phẩm cho 22 người trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, theo yêu cầu của chủ hàng, tàu phải đổi tuyến đi Tây Phi nhận hàng rồi mới hành trình về cảng Amstesdam. Do thời gian làm hàng tại Tây Phi kéo dài cùng với quãng đường hành trình trở lại Amstesdam tăng lên, lượng thực phẩm cùng với lượng nhiên liệu dự trữ trên tàu không đủ. Do điều kiện thời tiết xấu nên kế hoạch cho tàu ghé cảng Gibraltar để cấp nhiên liệu cùng nhu yếu phẩm dự trữ cho tàu đã bị chậm lại. Tàu đã hết thực phẩm như rau, thịt cá chỉ còn lại gạo và ít trứng… Trong vòng 5 ngày anh em thuyền viên trên tàu chỉ ăn cơm với độc một món trứng không có bất cứ loại rau hay củ nào, Thuyền trưởng Vương cười..
Phút thư giãn trên biển của người thủy thủ
Nguy hiểm, bất ổn có thể đến bất cứ lúc nào
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Quang tâm sự, với một con tàu nhỏ bé giữa mênh mông biển cả, sự bất ổn có thể đến bất cứ lúc nào. Gần đây nhất, tàu chúng tôi hoạt động bên Châu Phi, chạy qua khu vực có cướp biển. Cho dù công tác chuẩn bị, huấn luyện phòng chống cướp lên tàu đã được thực hiện nhưng tâm lý một số thuyền viên cũng không tránh khỏi lo lắng. Ngừng lại một lát, anh Quang trầm ngâm tiếp câu chuyện, tiếng chuông báo động phát ra từ buồng lái cho biết thuỷ thủ cảnh giới nghi ngờ có cướp biển lên tàu. Thoáng qua một chút lo lắng, nhưng với bản lĩnh và sự bình tĩnh của những người thuỷ thủ đã hành động xử lý tình huống theo như các quy trình hướng dẫn. Hôm đó, rất may mắn cho anh em chúng tôi, đó là người trốn theo tàu chứ không phải cướp biển tấn công lên tàu.
Máy trưởng Phạm Ngọc Thạch thì kể một câu chuyện khác liên quan đến cướp biển, một lần tàu chúng tôi chạy ngang qua eo Malacca – vùng có nguy cơ cướp biển cao. Chúng tôi nhận được cảnh báo từ trước nên đã chuẩn bị cảnh giới, quấn dây thép gai quanh tàu, đóng chặt các cửa vào cabin, chuẩn bị vòi rồng cứu hỏa sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó vào khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi phát hiện có một tàu của hải tặc chạy bám đuổi theo sau. Các anh em trên tàu đã dũng cảm dùng vòi rồng cứu hỏa để phòng ngự và chạy tăng tốc hết máy. May mắn sau gần 1 giờ rượt đuổi, tàu hải tặc đã bỏ cuộc, không bám theo nữa…
Xa người thân, gia đình thì yêu thương nhau bù lại
Cùng với công việc chịu áp lực cao, mỗi đợt công tác của các thủy thủ thường kéo dài từ 8 đến 10 tháng, xa nhà, xa gia đình, xa người thân bạn bè. Máy trưởng Phạm Ngọc Thạch xúc động chia sẻ, 15 năm đi biển của tôi với bao cảm xúc xa nhà, nhớ vợ con da diết. Cả hai đứa con khi cất tiếng khóc chào đời, tôi chỉ được ngắm nhìn chúng qua điện thoại. Nhớ vợ thương con nhiều lắm nhưng chẳng thể chạy về bồng bế con trên tay, chẳng thể ôm con vào lòng và hà hít mùi trẻ thơ được. Chúng tôi xa nhà, xa đất liền yêu thương, đều thầm mong những đứa con của mình luôn chăm ngoan, học giỏi, sau này cũng mạnh mẽ, kiên cường như cái nghề đi biển của bố…
Đất liền – nơi luôn có tình yêu thương đang chờ những người thủy thủ dũng cảm
Thuyền trưởng Đào Anh Dũng nói, nghề thủy thủ lắm vất vả nhiều gian truân nhưng cũng có những niềm vui khác, chúng tôi yêu thương, gắn bó, đoàn kết với nhau như để bù đắp những nhớ mong đã để lại đất liền. Một con tàu thường có khoảng hơn 20 thuyền viên, mọi người sống với nhau hòa thuận, vui vẻ như trong một gia đình, có gì khó khăn cũng chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau. Sau những kỳ công tác kết thúc về đến bờ, mọi người lại vui vẻ liên hoan sau một chuyến đi biển vất vả…
Nguồn: https://vietbao.vn/ngay-thuyen-vien-25-6-nghe-ho-ke-chuyen-nghe-491499.html